Làm gì khi cần ra quyết định khi đang ở độ tuổi 20?

Mình nên học ở đâu?

Mình nên học cái gì?

Mình nên có sự nghiệp như thế nào?

Mình nên cưới ai?

Mình nên sống ở đâu?

Nhiều điều cần làm, và khả năng là cũng nhiều những chán nản.

Về cơ bản, đây là những câu hỏi lớn nhất trong đời mà bạn phải cố gắng trả lời trước tuổi 30. Những gì bạn quyết định sẽ định hình cuộc sống bạn trong thập kỷ tới hoặc hơn, thường kéo theo những chi phí tài chính và xã hội đáng kể nếu lựa chọn sai.

Làm gì khi cần ra quyết định
Làm gì khi cần ra quyết định?

Ở tuổi 20, làm những gì và làm với ai sẽ có ảnh hưởng bất đối xứng đến cuộc sống lúc trưởng thành bạn hướng tới. Đó chính là sự khác biệt giữa việc bắt đầu cuộc đời ở tuổi 30 hay đang có một cuộc đời ở cùng độ tuổi đó.

Bạn có thể cảm thấy bất khả thi nếu muốn ra bất kỳ quyết định nào mà không cảm thấy vài phần trạng thái FOMO ( nỗi sợ mất cơ hội ) hay sự thất vọng sau khi đã quyết định. Sự không chắc chắn khiến chúng ta tê liệt trầm trọng với một bên là cảm giác lo lắng và bên kia là sự nghi ngờ thường trực.

Cùng với đó là kỳ vọng cao ngất của cha mẹ, hội chứng kẻ mạo danh, sự ganh đua liên tục trong việc so sánh trên mạng xã hội khiến bạn sở hữu một công thức hoàn hảo tạo ra sức khỏe tinh thần tồi tệ.

Không cần nói nhiều, việc ra quyết định ở tuổi 20 có thể quá sức với bạn. Không một thế hệ nào có nhiều tự do lựa chọn như bạn. Nhưng cũng không một thế hệ nào phải trải qua nhiều bất ổn và lo lắng như bạn lúc này.

Ở tuổi tôi (25), cha mẹ tôi đã kết hôn, chuyển đến một đất nước khác và định cư ở ngoại ô với các con. Cuộc sống đơn giản hơn, nhàm chán hơn nhưng ít nhất là chắc chắn.

Bạn đã hiểu vai trò của mình trong xã hội và những gì bạn cần phải làm.

Đây không phải phán xét, mà đơn thuần là quan sát cuộc sống cha mẹ mình dưới lăng kính cá nhân. Tôi không cho rằng nó đúng hay sai. Mọi thứ diễn ra đơn giản là như vậy.

Đối mặt với những quyết định quan trọng, bạn có thể quyết định không lựa chọn gì cả. Việc giữ lựa chọn mở vào lúc này có thể cho bạn tận dụng những cơ hội hoàn hảo vào lúc sau.

Nhưng mọi chuyện không diễn ra theo cách đó.

Không lựa chọn ở độ tuổi 20 chính là một sự lựa chọn. Và việc đưa ra lựa chọn sau này cũng không tự động khiến lựa chọn đó tốt hơn. Sự do dự trên thực tế có thể tạo ra ít lựa chọn hơn cho tương lai.

Bạn có thể trì hoãn và né tránh ở hiện tại. Nhưng rồi sẽ tới lúc bạn thấy không còn cách nào để trì hoãn nữa. Và bạn bỏ lỡ cơ hội vàng cho việc tạo ra nền móng phù hợp ở tuổi 20.

Cam kết với điều gì đó sớm. Cho dù đó là một hoạt động tình nguyện hay công việc tào lao. Bạn luôn có quyền xem xét lại và thay đổi sau. Không có gì trong cuộc sống mãi mãi cố định cả.

Bạn có thể nghĩ đó là khoảng thời gian lãng phí, hoặc bạn sẽ phải quay trở lại con số 0 và bắt đầu. Nhưng những gì bạn đang làm chính là sự xây dựng vốn sống từ kinh nghiệm tích lũy được.

Những công cụ giúp bạn ra quyết định tốt hơn

Chất lượng những lựa chọn quyết định chất lượng cuộc đời bạn. Và thứ quyết định chất lượng những lựa chọn chính là tư duy.

Đây là một vài công cụ tôi đã sử dụng để ra quyết định tốt hơn. Tôi đã rút ra nhiều điều từ cuốn sách của Annie Duke, Thinking in Bets: Making Smarter Decisions When You Don’t Have All The Facts.

1. Suy đoán ngược: Từ một tương lai tích cực hướng về những việc hiện tại

Ở tuổi 20, việc hình dung ra tương lai khá khó khăn thậm chí bất khả thi. Bạn đang phải đối mặt với quá nhiều sự không chắc chắn, làm sao bạn có thể nghĩ gì xa hơn việc bạn sẽ sống ở đâu trong vài tháng tới?

Nhưng nếu nghĩ xa hơn, việc bắt đầu từ đích đến và nhìn ngược trở lại hiệu quả hơn nhiều việc đứng ở vạch xuất phát và nhìn về phía trước.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn hình dung mình ở tuổi 35. Bạn muốn mình ở đâu? Bạn muốn được làm gì? Ở tuổi 45 hoặc 55 thì sao?

Viết xuống những suy nghĩ hiện ra trong tâm trí. Đó có thể là một gia đình? Một sự nghiệp ổn định? Bạn muốn đi đến bao nhiêu quốc gia?

Tưởng tượng về một tương lai tích cực và thành công có thể giúp bạn hiểu đâu là việc cần làm hôm nay để hướng tới đích đến vào ngày mai . Nó giống một kim chỉ nam mang lại ý nghĩa cho những hành động hàng ngày.

2. Dự trù thất bại: Từ một tương lai tiêu cực hướng về những việc hiện tại

Tất cả chúng ta đều biết công việc khám nghiệm tử thi là gì: xác định nguyên nhân cái chết.

Vậy tại sao không thực hiện việc này trước khi cái chết xảy ra? Liệt kê tất cả những khả năng bạn nghĩ có thể xảy ra. Cho dù chúng có ngớ ngẩn đến đâu.

Khi đã có một loạt các khả năng, tính toán xác suất của chúng. Xác suất nên nằm trong khoảng từ 0 – 100% nhưng không bao giờ là 0% hoặc 100%. Không có gì trong cuộc sống này đảm bảo, cho dù có vẻ chắc chắn đến cỡ nào.

Việc này giúp bạn dự đoán những gì có thể dẫn đến thất bại và giảm bớt những mong muốn có thể khiến bản thân thất vọng.

3. Trải nghiệm

Tiến hành các thử nghiệm quy mô nhỏ, ít rủi ro là một cách tuyệt vời để thử những điều mới. Bạn có thể học hỏi mà không bị nỗi sợ thất bại hay sự cam kết ám ảnh.

Điều đó giống việc lái thử chiếc xe mới hoặc thử hẹn hò với một người thú vị. Không có cảm xúc tiêu cực nếu mọi thứ không diễn ra như mong muốn (phần lớn là như vậy). Bạn có thể trải nghiệm cái khác cho tới khi tìm thấy điều gì đó phù hợp.

Bạn học qua thực hành, chứ không phải trên lý thuyết . Mức độ nhận thức bản thân bạn tương ứng với số lượng trải nghiệm trong cuộc sống bạn thực hiện. Càng nhiều trải nghiệm, bạn càng học được nhiều.

Quan tâm đến kinh doanh? Hãy thử bắt đầu một trang web thương mại điện tử chi phí thấp. Muốn trở thành nhà văn? Viết mỗi ngày trong 90 ngày trên Medium. Quan tâm đến quay phim? Quay và sản xuất 6 video trên chiếc Smartphone của bạn.

Bạn không cần sự cho phép của bất kỳ ai để thực hiện bất kỳ thử nghiệm nào mà bạn quan tâm. Học hỏi là hành trình của chính bạn.

Thử nghiệm nổi tiếng của Tim Ferriss là tạo ra 6 tập podcast như một bài kiểm tra khả năng và sự yêu thích việc sáng tạo Audio. Tim Ferriss Show giờ là một trong những podcast phổ biến nhất thế giới với hơn 600 triệu lượt tải xuống.

4. Học hỏi từ những sai lầm của người khác

Kiểu học tập tốt nhất đến từ việc mắc sai lầm. Nhưng sai lầm đôi khi rất tốn kém và khó có thể khắc phục được. Hình thức học tập tốt thứ hai là học hỏi từ sai lầm của người khác.

Tôi đã tận hưởng đặc ân này trong phần lớn đời mình. Là một trong số những người trẻ nhất trong gia đình và dòng tộc, lớn lên tôi hay nghĩ điều này thật khó chịu. Tôi muốn chơi với những đứa trẻ lớn và được đối xử như một người trưởng thành.

Nhưng từ quãng thời niên thiếu tới giờ khi đã ngoài 20, việc có những người xung quanh lớn hơn mình 3-8 tuổi cho tôi biết một bức tranh toàn cảnh về những câu chuyện và cảm xúc tôi sẽ phải trải qua.

Tôi có thể học hỏi gián tiếp qua những chiến thắng, thành công và thất bại của họ. Giờ đây tôi liên tục hỏi họ nếu ở tuổi tôi, họ sẽ làm gì khác hơn? Điều gì khiến họ hối tiếc nhất? Nếu được quay trở lại, họ sẽ tận dụng tối đa khoảng thời gian ấy như thế nào?

Nhìn xung quanh và xem bạn có thể học hỏi từ ai.

Nhiều khả năng bạn sẽ có anh chị em hoặc đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm – những người bạn có thể học hỏi. Ai cũng sẽ cho bạn điều gì đó. Chỉ cần ta có góc nhìn đúng đắn và tiếp thu chúng.

5. Tìm một nhóm cố vấn

Cuộc hành trình của người hùng luôn được hỗ trợ bởi một quân sư. Luke Skywalker có Yoda. Peter Parker có Tony Stark. Không ai trong đời thực là một hòn đảo. Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ trong cuộc hành trình phức tạp và khó khăn có tên cuộc đời.

Bao quanh bạn bởi những người có kinh nghiệm là khoản đầu tư tốt nhất bạn có thể thực hiện. Nhóm cố vấn là nơi bạn có thể chấp nhận thử thách, mong chờ những lời khuyên trung thực và thẳng thắn.

Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng. Bạn sẽ cần tìm người cố vấn cho các lĩnh vực cụ thể. Một người cố vấn cho doanh nghiệp của bạn sẽ khác với cố vấn cho sức khỏe, thể chất hoặc các mối quan hệ.

Làm thế nào để tìm được một người cố vấn tốt?

Internet cung cấp cách thức tuyệt vời để tìm những người cố vấn mới. Tôi có những cố vấn mà không hề nghĩ rằng chính họ là cố vấn của mình. Qua bài viết, những lần xuất hiện trên phương tiện truyền thông và podcast của họ, tôi đã học được rất nhiều bài học cho cuộc sống.

Tham khảo nhiều bài viết hữu ích của Uniace tại chuyên mục Phát triển nghề nghiệp.

  • Làm ơn hãy ngừng khuyên nhủ các bạn trẻ “Theo đuổi đam mê của bạn”.
  • Tại sao Data Science đang dần mất đi vị thế của nó?
  • MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP CỦA BẠN TRONG 3-5 NĂM TỚI.
  • Rate this post