Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome) và những triệu chứng cùng sự nguy hiểm của nó.
Bạn đã bao giờ cảm thấy mình như kẻ lừa lọc? Một cảm giác thường trực sâu thẳm trong lòng khi nghĩ rằng mọi người sẽ phát hiện ra bạn là kẻ giả tạo.
Có thể chẳng phải việc bạn không đủ tiêu chuẩn cho công việc của mình. Thủ phạm thực sự là gì?
Hai nhà tâm lý học Pauline Rose Clance và Suzanne Imes lần đầu tiên nghiên cứu về hiện tượng kẻ mạo danh, hay hội chứng kẻ mạo danh, vào năm 1978.
Bất chấp những bằng chứng khách quan về sự thành công vượt trội trong học tập và nghề nghiệp, những phụ nữ sở hữu thành tích cao vẫn tin rằng họ là kẻ gian lận hoặc giả mạo về mặt trí tuệ. Trong khi nghiên cứu ban đầu tập trung vào phụ nữ, hiện tượng này cũng mở rộng sang nam giới.
Những người gặp phải hội chứng kẻ mạo danh luôn cảm thấy mình như kẻ lừa đảo không đường lui. Họ đánh giá thấp năng lực bản thân trong trường học hoặc nơi làm việc và tự tạo ra một chuỗi phản ứng nghi ngờ. Những người này không có khả năng nhận biết toàn diện về giá trị bản thân hay trí tuệ của họ.
Vậy có một giải pháp rốt ráo nào không?
Mọi cánh cửa chưa hẳn đã đóng lại. Nếu bạn nghĩ về những nhân vật nổi tiếng, họ cũng có thể đã trải qua hội chứng mạo danh.
≫> Xem thêm: Làm gì khi cần ra quyết định khi đang ở độ tuổi 20?
Xác định hội chứng kẻ mạo danh
Trong cuốn sách “Steal Like an Artist: 10 Things Nobody Told You About Being Creative,” Austin Kleon định nghĩa hội chứng mạo danh như sau:.
Hội chứng kẻ mạo danh: “Hiện tượng tâm lý trong đó mọi người không thể xác định được thành tích của họ.”.
Tôi nhớ kỳ thi hết môn đầu tiên ở trường đại học. Tôi tham gia nhóm học tập với những sinh viên xuất sắc. Sự am hiểu kiến thức của họ luôn tỏ ra vượt trội.
Giống những gì Kleon viết, tôi không thể ăn mừng thành tích học tập xuất sắc của mình khi nhận được điểm A trong các kỳ thi. Tôi không thể vượt qua lý do tại sao tôi cảm thấy mình rất ngu ngốc so với các bạn nhưng lại làm tốt trong bài thi?
Liệu tôi chỉ là một người thể hiện tốt trong phòng thi nhưng lại thất bại hoàn toàn khi ở ngoài? Vòng lặp này tiếp tục trong nhiều năm vì tôi luôn chuẩn bị tinh thần trượt môn cho dù điểm số trên trung bình.
Tại sao vấn đề này vẫn tồn tại?
Clance và Imes giải thích gia đình có thể đóng vai trò quan trọng trong hội chứng kẻ mạo danh. Những phụ nữ có anh chị em được coi là “người thông minh hơn” không bao giờ nhận được sự ghi nhận từ các thành viên trong gia đình, dù có thành tích học tập xuất sắc thậm chí tốt hơn anh chị em họ.
Điều này gây ra phản ứng dây chuyền khiến người phụ nữ cảm thấy mình như kẻ mạo danh, nghi ngờ trí tuệ và tự hỏi liệu thành công của bản thân có phải là do kỹ năng xã hội hay sự quyến rũ hơn là thông minh hay không.
Gia đình tôi luôn cho rằng anh trai tôi là “người thông minh” và tôi là “người chăm chỉ”. Những nhãn dán này dai dẳng đến tuổi trưởng thành.
Dù không ghen tị mà còn ngưỡng mộ trí thông minh của anh trai, nhưng trải nghiệm hội chứng kẻ giả mạo của tôi dần dần phát triển theo kỳ vọng của cha mẹ.
Hội chứng kẻ mạo danh: Xác định triệu chứng và sự nguy hiểm. Cảm giác chung khi gặp phải hội chứng này là gì?
Bạn đang đánh giá thấp khả năng của mình. Điều này ngược lại với hiệu ứng Dunning-Kruger. Trong khi với hiệu ứng Dunning-Kruger, mọi người có xu hướng đánh giá quá cao kiến thức hoặc kỹ năng của mình do thiếu nhận thức về bản thân.
Bạn không tin vào chính mình. Với hội chứng kẻ mạo danh, bạn có xu hướng nghi ngờ đáng kể. Tất cả những thành công và kiến thức chuyên môn bỗng trở nên không quan trọng.
Bạn cảm thấy mình không xứng đáng. Cho dù đó là việc được thăng chức hay được nhận vào một chương trình học sau đại học danh tiếng, những người mắc phải hội chứng kẻ mạo danh luôn cảm thấy họ không xứng với điều đó.
Những người làm quá mức có xu hướng đánh giá thấp khả năng của mình.
Tôi từng tận mắt chứng kiến điều này khi một đồng nghiệp sáng giá cảm thấy chưa sẵn sàng cho vai trò quản lý. Cô hoàn thành mọi thứ xuất sắc và tạo ra tác động lớn đến hoạt động nhóm.
Trong khi tất cả chúng ta đều biết cô sẽ vượt qua và đạt được mục tiêu, cô vẫn là nạn nhân của các triệu chứng liệt kê ở trên.
≫> Xem thêm: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong 3-5 năm tới.
Một số giải pháp cho hội chứng kẻ mạo danh
Không có một phương thuốc bách bệnh nào xử lý triệt để hội chứng này. Chúng ta cần một quá trình.
Dưới đây là một số cách hiệu quả với tôi.
Nói chuyện với một cố vấn
Hội chứng kẻ mạo danh ở tuổi 20 leo thang đến trạng thái sợ hãi vô cớ. Sự hoảng loạn xuất hiện với những câu hỏi như: liệu tôi có thực sự xứng đáng với công việc này không? Hay tôi sắp bị sa thải!
Lần đầu tiên bắt đầu công việc mới,người cố vấn hỏi tôi về nỗi lo lắng lớn nhất. Tôi đã nói rất nhiều. Tôi từng tập trung vào các lĩnh vực nhân sự khác như tuyển dụng, quan hệ nhân viên hoặc lương thưởng trong các vai trò trước đây.
Người cố vấn của tôi mỉm cười và nói, “Ai cũng bắt đầu từ một nơi nào đó.”.
Khi thấy mình trong nhiều cuộc họp với nhóm cổ đông cùng giám đốc điều hành để đánh giá các kế hoạch bảo hiểm y tế và ra quyết định cấp cao, tôi đã suy ngẫm về những lời nói ấy.
Biết rằng bạn không đơn độc
Những người nổi tiếng và thành công không miễn nhiễm với hội chứng kẻ mạo danh.
Sheryl Sandberg, COO của Facebook, đã thú nhận vấn đề của riêng cô trong cuốn sách đầu tay, “Lean In: Women, Work, and the Will to Lead.” Cô viết, “Từ những lúc không rơi vào tình huống tự làm bản thân xấu hổ – cho tới lúc thể hiện xuất sắc – tôi luôn tin rằng mình đã đánh lừa mọi người thêm lần nữa, rồi lần nữa. Một ngày không xa, mọi thứ sẽ vỡ lở. “.
Đó là một hiện tượng phổ biến mà những người thành công nhất trên thế giới cũng có thể gặp phải.
Định hình lại quan điểm của bạn
Định hình lại quan điểm là điều không thể thiếu để đối mặt với hội chứng này.
Khi học lấy chứng chỉ chuyên môn cao cấp, tôi luôn chuẩn bị tinh thần đối mặt với những điều khó khăn. Sau hàng tháng trời học tập, tôi vẫn cảm thấy mọi thứ không ổn – giống như mình đang bịt mắt mà bước đi vậy!
Thực tế thì khác. Tôi hiểu đủ để vượt qua bài thi hoặc thậm chí đạt được điểm cao. Nhưng tôi vẫn tiếp tục chú ý tới tất cả những điều mình không biết.
Điều quan trọng ở đây là phải lùi lại và tự hỏi bản thân: suy nghĩ như vậy có mang lại lợi ích gì không?
Tôi nhận ra là không. Tập trung vào những điều tiêu cực hủy hoại sự tự tin. Nó không hiệu quả và chỉ củng cố thêm những bất an. Thay vì để việc đó xảy ra, tôi xoay sở với việc duy trì lịch trình học tập, khắc phục những điểm yếu và làm hết khả năng của mình.
≫> Xem thêm: Làm ơn hãy ngừng khuyên nhủ các bạn trẻ “Theo đuổi đam mê của bạn”.
Lời kết
Những năm tuổi 20 là một khoảng thời gian kỳ lạ. Chúng ta thực hiện nhiều thay đổi đáng kể trong cuộc đời sau khi tốt nghiệp và gia nhập lực lượng lao động với nhiều phán xét và thách thức xung quanh.
Rất có thể, hội chứng kẻ mạo danh sẽ ảnh hưởng đến chúng ta ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống, không chỉ ở tuổi 20.
Nhưng việc nhận diện chúng có thể giảm bớt lo lắng của bạn. Việc ghi nhận nguyên nhân gốc rễ của những mối quan tâm có thể giúp bạn thực hiện các bước cần thiết để vượt qua hội chứng này.
Cập nhật thêm các bài viết hữu ích khác của Uniace tại đây.